Lê Văn Xuân, một trong những cái tên mới nổi tại V-League 2020 đang là niềm hy vọng của U22 Việt Nam tại SEA Games 31.
Lê Văn Xuân trong màu áo CLB Hà Nội
Sự liền mạch trong quá trình huấn luyện, thi đấu được cho là yếu tố quan trọng giúp cầu thủ quê Thanh Hóa tiến bộ vượt bậc.
“Cơn lốc mới” bên hành lang cánh trái
Trong đội hình tiêu biểu V-League 2020 do Ban Tổ chức công bố, Lê Văn Xuân không có tên bởi anh chơi bên cánh trái trong khi sơ đồ được chọn lại là 3-4-3, tức đá với ba trung vệ.
Rất nhiều ý kiến đồng tình rằng, nếu lựa chọn sơ đồ bốn hậu vệ, chắc chắn Văn Xuân không thể vắng mặt sau một mùa giải cực kỳ thành công.
Với người hâm mộ bóng đá Việt Nam, Văn Xuân là cái tên khá mới mẻ. Anh chỉ được biết đến nhiều từ đầu mùa giải năm nay, khi được CLB Hà Nội đưa về từ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, đá thay vị trí hậu vệ biên trái của Đoàn Văn Hậu để lại. Kể từ thời điểm đó, cầu thủ quê Quảng Xương, Thanh Hóa đã gắn chặt với vị trí này, trở thành một trong những hậu vệ trái hay nhất V-League.
Cầu thủ sinh năm 1999 không sở hữu thể hình lý tưởng, anh chỉ cao 1m66 nhưng dáng người khá đậm, săn chắc và đầy sức mạnh.
Nếu đã theo dõi anh thi đấu, hẳn ai cũng ấn tượng với khả năng lên công về thủ nhịp nhàng, những pha leo biên thần tốc khiến đối phương trở tay không kịp. Dù vậy, Văn Xuân cho rằng, anh vẫn cần cải thiện khả năng chuyền bóng, tạt bóng vào vòng cấm để trở thành mẫu hậu vệ biên toàn diện.
Cầu thủ xứ Thanh cũng chia sẻ, anh đã học hỏi được rất nhiều điều từ cách chơi của người đồng đội nổi tiếng Đoàn Văn Hậu: “Thi đấu cùng vị trí với Văn Hậu khiến tôi chịu nhiều áp lực, áp lực phải thể hiện tốt, phải chơi hiệu quả. Nhưng tôi không bị áp lực đó đè nén mà biến nó thành động lực để cố gắng nhiều hơn. Tôi cũng quan sát cách Hậu thi đấu, từ chạm bóng, khống chế hay chuyền để rút ra bài học cho riêng mình”.
Nhờ sự cầu thị cộng với lưng vốn kha khá, cái tên trưởng thành từ lò PVF tiến bộ không ngừng. Anh chơi hay tới mức khiến các CĐV Hà Nội FC không còn nhớ tới sự vắng mặt của Văn Hậu.
“Văn Xuân là cầu thủ trẻ tiến bộ nhất V-League 2020. Theo dõi cậu ấy chơi bóng có nhiều tình huống tôi phải ngạc nhiên. Ngoài tài năng, lợi thế của cậu ấy là không bị gián đoạn thi đấu, kể từ khi chơi chuyên nghiệp thì luôn được ra sân nên có sự phát triển liền mạch”, bình luận viên Vũ Quang Huy nhận xét về cầu thủ Hà Nội FC.
Trong khi đó, HLV Phạm Minh Đức, người từng dẫn dắt tuyển thủ U22 Việt Nam đánh giá cậu học trò đã và đang có những bước tiến nhanh chóng nhưng đầy chắc chắn.
“Văn Xuân là cầu thủ tốt nhất lứa 1999 của PVF. Sau khi gia nhập CLB Hà Nội thì tôi trực tiếp kèm cặp đá giải hạng Nhất rồi sau đó là V-League trong màu áo Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Cậu ấy có đầy đủ mọi tố chất để trở thành cầu thủ xuất sắc từ sức bền tới kỹ, chiến thuật. Khi được đặt trong hệ thống của đội 1 Hà Nội, Văn Xuân dễ dàng phát huy vốn liếng. Một điểm đặc biệt nữa ít người biết là cầu thủ này chơi rất đa năng, đá được cả hai cánh và tiền vệ trụ”, ông Đức chia sẻ.
Tuy nhiên, khi được hỏi về màn trình diễn cá nhân tại V-League 2020, Văn Xuân tỏ ra rất khiêm tốn.
“Dù sao tôi cũng là một cầu thủ trẻ, những gì đạt được chỉ mới là bước đầu, chưa có gì to tát hay đáng tự hào cả. Tôi may mắn đứng trong một tập thể mạnh, bản thân có điều kiện tốt để phát triển nhưng thú thật tôi tự nhận thấy mình còn phải nỗ lực nhiều để đáp ứng được yêu cầu về mặt chuyên môn tại CLB cũng như cấp độ đội tuyển”, cầu thủ 21 tuổi nói.
Văn Xuân cho biết thêm, mục tiêu mình nhắm tới trong năm 2021 là giành suất tham dự SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam và có suất ở đội tuyển quốc gia dự AFF Cup 2021.
“Con người sống nếu không có mục tiêu sẽ trở nên vô vị và dần dần mất đi động lực. Với một cầu thủ chuyên nghiệp, việc đặt ra mục tiêu và chinh phục mục tiêu càng có vai trò quan trọng. Bởi lẽ giữa hàng trăm, hàng ngàn đồng nghiệp, nếu bạn không khác biệt, không vượt trội thì chẳng ai nhớ tới bạn, như vậy bao nhiêu công lao theo đuổi trái bóng sẽ trở nên vô nghĩa. Ước mơ của tôi là được thi đấu cho đội tuyển Việt Nam, dù biết là rất khó khăn nhưng tôi sẽ làm hết sức mình”, Văn Xuân thể hiện quyết tâm.
Đá bóng đến rách quần
Sinh ra và lớn lên ở làng quê thuộc huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Giống như bao gia đình ở nông thôn khác, bố mẹ Lê Văn Xuân chỉ trông vào mấy sào ruộng. Nhưng rồi cuộc sống quá khó khăn đã đưa đẩy bố anh, ông Lê Văn Thắng tìm đường sang nước ngoài xuất khẩu lao động. “Năm đó tôi mới 3 tuổi, còn chưa biết gì. Sau này lớn hơn thì dần cảm nhận được sự thiếu vắng hơi ấm của bố. Tới khi tôi gia nhập lò PVF được vài năm thì bố mới về nên hai bố con ít gặp nhau, cũng không có quá nhiều kỷ niệm”, cầu thủ 21 tuổi kể.
Tuy nhiên, nhờ tiền bố gửi từ nước ngoài về, cuộc sống gia đình cầu thủ sinh năm 1999 trở nên thoải mái hơn, vơi bớt phần vất vả. So với bạn bè đồng trang lứa, Xuân cũng thuộc diện chẳng phải lo nghĩ gì, chỉ ăn học với đi đá bóng.
“Hồi bé, cứ sau giờ học là tôi ở lại đá bóng với các bạn, mải chơi quên đường về là chuyện như cơm bữa, mỗi lần như vậy lại ăn đòn. Tôi còn nhớ, có lần đá ham quá, ngã rách cả quần. Khi tôi ngỏ ý muốn theo bóng đá thì mẹ đồng ý luôn”, Văn Xuân cười nói.
Sau này lớn lên, theo bóng đá chuyên nghiệp, cầu thủ xứ Thanh cũng không phải chịu áp lực về mặt tài chính. Bố anh trở về từ nước ngoài đã mở một cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, gia đình chưa thuộc diện giàu có nhưng của ăn của để thì vẫn luôn sẵn.
Trở lại với tuổi thơ của anh chàng hậu vệ xứ Thanh. Nhờ có năng khiếu chơi bóng, anh được biên chế vào đội bóng của xã đi đá giải huyện và giành ngôi vô địch. Tiếp đó, anh có tên trong đội bóng huyện thi đấu cấp tỉnh. Dù đội nhà bị loại sớm nhưng anh đã được các thầy ở Trung tâm Huấn luyện thể thao Thanh Hóa nhắm tới và tuyển chọn cho lứa U11.
Cùng năm đó, lò PVF mời 12 cầu thủ U11 Thanh Hóa vào TP HCM “thử chân”, 10 cái tên được giữ lại, trong đó có Văn Xuân.
“Ngày tôi chia tay gia đình để theo đuổi con đường bóng đá chuyên nghiệp, cả nhà ai đều khóc. Đây là kỷ niệm sẽ theo tôi suốt cuộc đời. Vào đó được khoảng một tháng thì tôi bắt đầu nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ em gái và ông bà nên đêm nào cũng khóc tu tu. Tôi từng có ý định sẽ xin về nhưng rồi nhờ các thầy động viên, cuộc sống mới với trái bóng tròn mang đến nhiều điều thú vị nên tôi cũng dần nguôi ngoai”, cầu thủ cao 1m66 nhớ lại.
Ăn tập ở PVF tới năm 2018, Văn Xuân được CLB Hà Nội chiêu mộ cùng Lê Xuân Tú, Nguyễn Hồng Sơn. Và hành trình tiếp theo như đã kể, gần như vạch sẵn để anh trở thành cầu thủ nổi bật, một trong những niềm hy vọng của U22 Việt Nam tại SEA Games 31 diễn ra vào năm sau. Hy vọng rằng, tương lai của Văn Xuân không chỉ dừng lại ở đây mà còn tiến xa, bay cao hơn nữa.
Văn Xuân không cần “thử việc” ở U22 Việt Nam
Trong bản danh sách đội tuyển U22 Việt Nam tập trung đá giao hữu với đội tuyển Việt Nam, Lê Văn Xuân không có tên. Tuy nhiên, theo HLV Phạm Minh Đức, điều này hết sức bình thường.
“Cấp độ đội tuyển thì Xuân còn hơi non kinh nghiệm nhưng nếu xét ở cấp độ U22 thì Xuân không cần chứng minh gì nữa. Cậu ấy gần như chắc chắn đã có “vé” nên việc ông Park trao cơ hội cho những cái tên khác còn đuối hơn, mới mẻ hơn cũng là điều dễ hiểu”, ông Đức nhận định.
Đồng quan điểm, bình luận viên Vũ Quang Huy nhấn mạnh: “Cầu thủ đã đá cứng ở V-League thì không còn phải lăn tăn vị trí ở U22 Việt Nam, Văn Xuân có lẽ nằm trong số đó. Bởi vậy, việc HLV Park Hang-seo ưu tiên những cái tên ít được chơi tại V-League hoặc đang đá giải hạng dưới cũng dễ hiểu”.